Lựa chọn hình thức thanh điệu trong chữ Thái

Một trong các cách phân loại ngôn ngữ trên thế giới là dựa vào âm tiết, theo đó ngôn ngữ ở các quốc gia có thể thuộc về một trong hai loại: ngôn ngữ đơn âm tiết và ngôn ngữ đa âm tiết. Ngôn ngữ chính thức của Việt Nam, Trung Quốc và một vài nước lân cận cũng là ngôn ngữ đơn âm tiết.
Lựa chọn hình thức thanh điệu trong chữ Thái
Người Thái có mặt ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á cũng sử dụng ngôn ngữ đơn âm tiết.Trong ngôn ngữ đơn âm tiết, mỗi âm tiết có một hình vị phát âm riêng biệt, trong đó thanh điệu có vai trò lớn khi phân định ngữ nghĩa của âm tiết. Vậy nên đa số các ngôn ngữ đơn âm tiết đều có những sự phân định thanh điệu khác nhau, cho dù số lượng thanh điệu nhiều hay ít. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ Thái, cũng như một số đối tượng nghiên cứu khác, sự thể hiện mức độ đơn âm tiết của từng nhóm, từng khu vực cư trú là không đồng đều. Vậy nên, khi xem xét về hình thức thể hiện thanh điệu trong chữ Thái, chỉ xét với trường hợp sử dụng ngôn ngữ Thái với ưu thế đơn âm tiết nổi trội.

Trong một bài viết nói về thanh điệu của ngôn ngữ Thái đã từng có nhận định cho rằng: “Tiếng Thái là tiếng nói mang thanh điệu, vậy mà chữ Thái lại không thể hiện được những thanh điệu đó. Với tình trạng như vậy thì ngôn ngữ Thái Việt Nam không thể được coi là một ngôn ngữ hoàn chỉnh bởi hệ thống chữ Thái (Việt Nam) chưa thật sự hoàn chỉnh”. Để được rõ hơn, cần phân biệt sự khác nhau giữa hai khái niệm: hình thức thể hiện thanh điệu dấu thanh điệu.

Khái niệm dấu thanh điệu vốn rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Vậy nên không có gì lạ khi thấy rằng nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng hai khái niệm trên đây chẳng có gì khác nhau. Tuy nhiên, khi được đặt trong một tầm nhìn bao quát hơn, thì các dấu hiệu phân định thanh điệu trong tiếng Việt cũng chỉ là một bộ phận của một tổng thể chung, đó là các hình thức thể hiện thanh điệu. Nói cách khác, 6 dấu hiệu thể hiện thanh điệu đang được sử dụng trong chữ Quốc ngữ hiện nay chỉ là thành phần của các hình thức thể hiện thanh điệu nói chung.

Chữ Thái Việt Nam có nhiều hệ khác nhau, nhưng có thể sử dụng hệ chữ lai- xứ của vùng Tây Bắc, vốn có tính bao quát hơn, để xét trong trường hợp này. Thoạt nhìn qua một văn bản viết nằng chữ Thái lai- xứ, ta dễ lầm tưởng rằng trong chữ lai- xứ cũng có sử dụng hệ thống thanh điệu. Tuy nhiên, đấy chỉ là dấu hiệu của các vần và một số nguyên âm, riêng về dấu thanh điệu thì trong văn bản chữ lai- xứ không hề có một dấu thanh điệu nào cả. Mặc dầu vậy, hệ chữ lai- xứ cũng đã phân định được một phần thanh điệu cho các âm tiết trong ngôn ngữ Thái bằng cách phân chia các phụ âm thành hai tổ: tổ thấp và tổ cao. Mỗi một phụ âm thành phần thuộc về một tổ sẽ làm nhiệm vụ phân định thanh điệu cho một nhóm thanh điệu (thông thường từ 2 đến 3 thanh điệu), chứ không phải chỉ có phân định cho một thanh điệu cụ thể như trong tiếng Việt. Các hình thức phân định theo cả hai tổ của một phụ âm chỉ được sử dụng khi tạo từ, còn khi tạo vần thì chỉ có một trong hai hình thức được phép tham gia (Riêng với hệ chữ Thái lai- tay của Nghệ An, dùng khái niệm hình thức phụ sẽ hợp lý hơn so với khái niệm về tổ trong hệ chữ lai- xứ).

Mặc dầu trong chữ Thái không có dấu thanh điệu, nhưng các hình thức thể hiện thanh điệu cho âm tiết đã được lựa chọn. Tuy sự lựa chọn này chưa được hoàn thiện khi xem xét cụ thể theo tiêu chí ngôn ngữ đơn thuần, nhưng sự lựa chọn đó đã góp phần quan trọng để bảo tồn chữ Thái cho đến ngày nay. Hệ thống dấu thanh điệu trong chữ Việt hội đủ điều kiện để sử dụng trong hệ chữ Quốc gia, điều này mang tính hiển nhiên bởi chữ La- tinh xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn chữ Thái. Điểm giống nhau giữa chữ Thái và chữ Quốc ngữ là ở chỗ cả hai loại chữ đều cùng sử dụng hình thức thể hiện thanh điệu: một bên là sử dụng dấu thanh điệu- chỉ liên quan đến nguyên âm; một bên là sử dụng thông qua sự phân định hình thức của phụ âm. Nếu như chỉ xem xét một cách cục bộ, riêng rẽ về chữ Thái hoặc về chữ Việt thì sẽ không để ý hoặc bỏ dễ qua đặc điểm tương đồng vừa được nêu. Ngoài ra, còn có thêm một điểm tương đồng khá độc đáo, có thể được bắt nguồn từ lịch sử ngôn ngữ xa xưa của cả hai dân tộc Thái và Kinh. Gứa định rằng, thoạt đầu nhu cầu sử dụng chữ Thái  được hình thành chủ yếu là để làm phương tiện ghi chép, lưu giữ các truyện thơ và trường ca dân gian Thái. Với nhiệm vụ như vậy, có thể coi là chữ Thái cùng với sự lựa chọn về hình thức thể hiện thanh điệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Với người Việt, trong các thể loại văn học dân gian cổ xưa, thơ lục bát đã tạo nên một con đường rộng rãi và chắc chắn cho lịch sử văn học dân gian. Để hình thành được một câu thơ lục bát, quy luật sắp xếp của các từ nhất thiết phải tuân theo luật bằng- trắc. Trong tiếng Việt, các từ ứng với thanh điệu không dấu hoặc dấu huyền thì được xếp vào vần bằng; còn các từ mang thanh điệu khác được đưa vào nhóm của vần trắc. Như vậy là từ xa xưa, vào thời điểm hình thành của thể loại thơ lục bát, thanh điệu của tiếng Việt cũng được xếp riêng trong hai nhóm. Cho đến tận bây giờ, hai nhóm thanh điệu này vẫn luôn hiện diện trong mỗi câu lục bát… Có thể coi đây là một trong những điểm tương đồng có nguồn gốc từ trong lịch sử của cả hai ngôn ngữ Thái và Việt.

Khi xem xét vấn đề dưới góc độ của sự lựa chọn, có thể đưa ra những gợi mở cho nhiều cách tiếp cận khác nhau. Sự lựa chọn luôn luôn hướng đến sự hoàn thiện để đạt đến một tầm vóc lớn hơn, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cộng đồng, của dân tộc. Chẳng hạn, sự chuyển hoá việc sử dụng chữ Hán Nôm sang chữ la- tinh nằm trong trường hợp đó. Sự lựa chọn cũng không mang tính áp đặt dẫn đến sự triệt tiêu lẫn nhau, vẫn song song tồn tại như trường hợp sử dụng hệ thống dấu thanh điệu hoà hợp một cách kỳ diệu với các con chữ cái la- tinh ở Việt Nam… Cộng đồng người Thái Việt Nam cũng đang hướng đến một sự lựa chọn mới đối với các hệ chữ Thái cũng như với các hình thức thể hiện thanh điệu nhằm tìm ra một phương thức tiếp cận phù hợp, đưa chữ Thái thực sự lan toả vào trong sinh hoạt cộng đồng, tạo một nét văn hoá xứng tầm với bản sắc văn hoá của dân tộc Thái trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam hôm nay./.
 

SẦM VĂN BÌNH

Địa chỉ: Sầm Văn Bình, Yên Luốm, Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An.

Email: sambinhct@gmail.com

Tác giả bài viết: Sưu tập